Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19, vào chiều 14/11. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế – thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform. “Sóng lớn” khiến tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thua lỗ tăng lên mức 39,2% Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, từ năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng. Theo đó, đã khiến cho 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực và hết sức tiêu cực từ dịch bệnh. Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu sụt giảm, kinh doanh thua lỗ tăng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, năm 2019, có 61,1% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 27,1% doanh nghiệp bị thua lỗ; nhưng sang đến năm 2020, tỷ lệ này giảm hẳn, chỉ còn 53,2% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 32,1% doanh nghiệp bị thua lỗ. Bước sang năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi chỉ còn 42,7% và tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng lên mức 39,2%. Số liệu này là một biểu hiện rõ ràng của hai năm cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đóng góp của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của Việt Nam thời gian qua vẫn rất tích cực “Rõ ràng, doanh nghiệp nữ chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19”, song theo ông Đậu Anh Tuấn, “đóng góp của doanh nghiệp do nữ làm chủ vào tăng trưởng kinh tế – xã hội Việt Nam thời gian qua vẫn rất tích cực”. Phó Tổng thư ký VCCI dí dỏm, chữ “phái yếu” không để chỉ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ông dẫn chứng, danh sách doanh nhân tiêu biểu Việt Nam trong năm 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, có tới 15 trên tổng số 60 doanh nhân được tuyên dương là nữ, chiếm tỷ lệ 22%, cao nhất từ trước đến nay. Cũng theo một nghiên cứu do VCCI tiến hành, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện nay chiếm 22% tổng số doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nữ làm chủ tính đến tháng 9/2022 Điều đáng lưu ý, kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu VCCI cho thấy, dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của dịch Covid-19 gặp khó khăn hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ, nhưng tỷ lệ sa thải người lao động của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn tại các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. “Qua đó cho thấy, tính nhân văn trong văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là dấu ấn rõ nét”, ông Tuấn nói. Kết quả điều tra cũng cho thấy, năm 2021, hầu hết (93,9%) các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trả lời bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, kết quả này tương đương với tỷ lệ của doanh nhân nam là 93,7%. Trong khi đó, chỉ có 4,9% doanh nhân nữ không bị ảnh hưởng và 1,2% doanh nhân nữ cho rằng, Covid-19 tạo ra tác động tích cực. Trong đó, những khó khăn chính mà doanh nhân nữ phải đối mặt do tác động của dịch Covid-19 là tiếp cận dòng tiền và khách hàng, chuỗi cung ứng và nhân sự… Bà Majdie Hordern – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần thiết kế gói hỗ trợ riêng phù hợp hơn cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ Nỗ lực để không “ngã tay chèo” mà “vượt sóng” … Chia sẻ tại Hội thảo, bà Đinh Hoàng Giang – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin cho rằng, Covid-19 đã tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhất là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất của doanh nghiệp gần như trở lại bình thường, nhưng năm 2022, doanh nghiệp lại gặp khó khăn khác, đó là lạm phát trên toàn thế giới tăng cao và khủng hoảng năng lượng, điều này đã tác động đến giá logistics. “Trước đây, một contener xuất khẩu đi Mỹ có giá chỉ 5.000-6.000 USD, nhưng khi lạm phát và giá xăng dầu tăng, thì tăng lên tới 15.000 USD, nhưng cũng không có contener rỗng để chở đi, khiến giá thành sản phẩm tăng lên đột biến và nhu cầu khách hàng giảm sâu”, bà Giang cho biết. Bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng Seconin phát biểu tại Hội thảo Trong khi đối với thị trường Nhật Bản, giá vận chuyển không tăng quá nhiều, trước đây 200 USD một contener, còn bây giờ là 500 USD. “Nhưng chúng tôi lại đối mặt với sự mất giá của đồng Yên. Và số lượng đặt hàng từ thị trường Nhật Bản giảm nghiêm trọng trong năm 2022, do ảnh hưởng bởi lạm phát và đồng Yên mất giá 30%”, bà Giang cho biết thêm. “Chúng tôi quan niệm, doanh nghiệp cũng giống như một con thuyền, nếu gặp sóng lớn mà chỉ ngồi yên, thì có thể bị sóng nhấn chìm hoặc bị tụt lại phía sau. Vì vậy, công ty luôn tìm cách thích nghi với nghịch cảnh, tăng cường chuyển đổi số và tìm kiếm thị trường mới để vượt sóng…”, bà Giang nêu kinh nghiệm vượt khủng hoảng của doanh nghiệp. Cũng như bà Giang, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Tổng giám đốc Công ty Nhật Hải cho rằng, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng lạm phát trên toàn cầu và suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Bà cho rằng, để vượt qua được giai đoạn “sóng gió” này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại chi phí, sản phẩm để tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn, nhằm gia tăng lợi nhuận, vượt qua khó khăn. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh chế chiến nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm “vượt sóng” của doanh nghiệp. Theo đó, quan trọng nhất là bản lĩnh của người làm chủ. Trong giai đoạn khó khăn, hơn hết cần bình tĩnh, chèo lái con thuyền vượt sóng, lựa chọn quyết định hướng đi đúng đắn cho công ty. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh chế chiến nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu Cần chủ động hơn trong tiếp cận các gói hỗ trợ Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được. Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Nguyễn Thị Tuyết Minh tại Hội thảo “Vì thế, để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần chủ động hơn nữa để tiếp cận các gói hỗ trợ. Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc cần chủ động hơn nữa trong tiếp cận thông tin, thiết kế các chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội viên thông qua những hoạt động cụ thể, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”, bà Minh nêu giải pháp. Nhóm nghiên cứu của VCCI đề xuất, các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các địa phương, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm, chủ đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại; đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng. Bà Phan Minh Thủy – đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI cho rằng, Chính phủ cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ tài khóa với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Các cơ quan hữu quan có thể làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và các mạng lưới kinh doanh, cộng đồng khác để giải đáp, hỗ trợ thông tin, hướng dẫn cụ thể về các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả các biện pháp hỗ trợ. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế, nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch; các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó các khoản trợ cấp trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng. Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững. Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững. Các hiệp hội, câu lạc bộ, tổ chức đại diện doanh nghiệp tăng cường hoạt động hỗ trợ kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường cho các thành viên. Song song với đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm cách thức để tự “cứu mình”, ví dụ, kinh doanh online, triển lãm trực tuyến, tham dự các sự kiện hội thảo, kết nối giao thương trực tuyến… Cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp kịp thời cung cấp thông tin thị trường; doanh nghiệp chủ động hơn trong kiểm soát, giảm thiểu rủi ro của biến động thị trường bằng cách đánh giá rủi ro và có kế hoạch ứng phó, ví dụ như mở rộng kênh bán hàng, mở rộng chuỗi cung ứng, kiểm soát và củng cố kênh phân phối sản phẩm./. Nguồn: Theo Kinh tế và Dự báo |